SỰ KHÁC BIỆT TRONG LỄ DẠM NGÕ BA MIỀN
Ngày đăng : 10:14:49 17-11-2016
Lễ dạm ngõ là lần gặp gỡ chính thức giữa người lớn của hai bên gia đình, được coi là một trong ba nghi lễ quan trọng của thủ tục cưới hỏi. Với văn hóa đặc trưng cũng như nếp sống khác nhau, nghi thức lễ dạm ngõ ba miền Bắc-Trung-Nam sẽ có sự khác biệt rõ ràng. Đồng hành cùng Phát Hoàng Gia tìm hiểu điểm khác nhau giữa các vùng miền nào!
Miền Bắc
Lễ dạm ngõ miền Bắc còn được gọi là chạm ngõ, được tiến hành khá giản dị, nhanh gọn nhưng vẫn giữ được những thủ tục cơ bản và không khí trang trọng vốn có. Những lễ vật bắt buộc phải có là trầu cau phủ vải nhiễu đỏ như tráp quả, trà, rượu và trái cây được bọc giấy kính màu đỏ. Một điều cần lưu ý, lễ vật ở lễ dạm ngõ miền Bắc luôn là số chẵn, đủ đôi đủ cặp vì đây là nghi thức khởi đầu cho hỷ sự.
Thời gian tổ chức lễ dạm ngõ thường không phải xem ngày giờ như đám hỏi và đám cưới. Tuy nhiên, ở một số gia đình muốn suôn sẻ tuyệt đối thì vẫn có thể xem ngày tốt. Thời điểm bên nhà trai sẽ quyết định sau đó thông báo cho bên nhà gái. Số lượng thành viên trong mỗi bên gia đình tham gia lễ dạm ngõ không nhiều hơn 7 người. Các thủ tục, yêu cầu về đám hỏi, đám cưới cũng được đại diện hai gia đình bàn đến trong lễ dạm ngõ. Tùy vào điều kiện gia đình mà nhà gái chuẩn bị bữa cơm thân mật mời nhà trai.
Miền Trung
Lễ dạm ngõ miền Trung còn hay được gọi là lễ đi nói, không quá quan trọng vật chất tuy nhiên lại khá chi tiết trong phần lễ nghi. Không quá phức tạp phần lễ vật như miền Bắc, chỉ cần một khay trầu cau và một chai rượu thì nhà trai có thể sang nhà gái trình bày vấn đề hôn nhân của đôi trẻ.
Thông thường, cả hai bên gia đình sẽ thỏa thuận với nhau về thời điểm tổ chức lễ dạm ngõ sao cho thuận tiện nhất có thể. Trong buổi lễ, đại diện 2 gia đình bao gồm cha mẹ cô dâu – chú rể, hai người lớn tuổi trong dòng họ hai bên có uy tín và được kính trọng cùng một vài người thân khác. Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng ngăn nắp là nhiệm vụ không thể thiếu trong công tác chuẩn bị của nhà gái. Bên cạnh đó, chuẩn bị thêm chút trà bánh là cần thiết khi đón tiếp nhà trai. Tại buổi gặp gỡ này, các thủ tục cho đám hỏi, đám cưới như thời gian, có các yêu cầu, nghi thức nào, số lượng lễ vật ra sao theo đúng phong tục lễ cưới miền Trung…sẽ được hai gia đình trực tiếp trao đổi.
Miền Nam
Có thể nói với cuộc sống ngày càng hiện đại, vòng quay công việc bận rộn như hiện nay, người dân Nam bộ không để ý thậm chí là không biết đến lễ dạm ngõ có trong thủ tục ngày cưới. Đối với gia đình sống tại Sài gòn, không nhất thiết phải tổ chức lễ dạm ngõ, họ chỉ quan tâm đến đám hỏi và đám cưới. Ở gia đình các tỉnh miền Tây, chỉ còn ít nơi duy trì được phong tục lễ dạm ngõ này. Tuy vậy, việc tìm hiểu về lễ dạm ngõ là điều không thừa với các cặp đôi.
Lễ dạm ngõ miền Nam còn được gọi là đám nói, lễ đi nói, là sự công nhận mối quan hệ của đôi trẻ từ hai gia đình. Lễ dạm ngõ cho thấy rõ quan niệm tôn trọng việc “ danh chính ngôn thuận” của người Việt. Cặp rượu trà được gói trang trọng bằng giấy kính đỏ, mâm trái cây cùng khay trầu cau là những lễ vật nhà gái nhận được từ bên nhà trai. Khi cả hai gia đình đều thoải mái, không quá xem trọng chuyện lễ vật thì lễ vật chỉ cần trầu cau và chai rượu là đủ lễ. Chính vì thế lễ dạm ngõ miền Nam còn được nhiều người gọi bằng cái tên lễ bỏ rượu.
Tương tự như miền Bắc và miền Trung, cha mẹ hai bên cùng người thân họ hàng gặp mặt thân mật bàn chuyện hôn nhân của hai con. Việc xác định tổ chức đám hỏi và đám cưới chung một ngày hay riêng và xem tuổi chọn ngày lành tiến hành hôn lễ sẽ được trao đổi sau khi nghi thức dạm ngõ kết thúc.
Sự khác biệt giữa quan điểm, phong tục các miền là hiển nhiên, nên việc có những rắc rối về các nghi lễ cũng là điều khó tránh. Hiểu được sự khác nhau trong nghi thức ở vùng miền sẽ giúp cho chuyện hôn nhân của cặp đôi được thuận lợi, suôn sẻ và tốt đẹp.